Mặc dù có thể kể tên ra rất nhiều ngân hàng như vậy nhưng không phải là ai cũng biết rõ cặn kẽ NH là gì và các công việc trong NH ra sao.
Bạn thử tưởng tượng xem:
Bạn có một khoản tiền nhàn rỗi mà chưa biết làm gì với nó.
Bạn có nhu cầu đầu tư cho một kế hoạch hay dự án nhưng chưa đủ tiền.
Bạn muốn thanh toán tiền cho việc mua một số đồ vật qua mạng internet.
Bạn muốn đổi ngoại tệ để đi nước ngoài (như đi du học chẳng hạn)
Bạn sẽ làm gì?
Câu trả lời chung cho cả bốn trường hợp trên là ngân hàng.
Giờ đây, những khái niệm như ngân hàng, tài khoản, lãi suất, tiền gửi, tỷ giá hối đoái… đã trở nên tương đối quen thuộc đối với mỗi chúng ta.
Có thể nói mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiền tệ như tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, chứng khoán, ngoại hối…. đều ít nhiều có sự góp mặt của ngân hàng. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là hội nhập với kinh tế khu vực và trên toàn thế giới.
Bạn có thể hiểu đơn giản về ngân hàng như sau: ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính, được phép nhận tiền gửi để cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác. Trong đó, hoạt động chính của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, tức đi vay để cho vay lại.
Cũng như các tổ chức kinh doanh hoạt động trên cơ sở thu lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua thấp hơn và giá bán ra cao hơn, ngân hàng thực hiện việc kinh doanh của mình với một loại hàng hóa đặc biệt: đồng tiền.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của nền kinh tế, họat động của ngân hàng ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đi vay rồi cho vay lại và thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất. Ngân hàng thương mại được coi như một trung gian thanh toán giữa người bán và người mua dựa trên tài khoản tại ngân hàng.
Đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống ngân hàng chính là chiếc cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác kinh doanh với các đối tác trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy ngoại thương không ngừng mở rộng.
Với vị trí quan trọng như vậy, ngân hàng được coi là hệ tuần hoàn vốn của nền kinh tế từng quốc gia và toàn cầu.
Chính do vai trò quan trọng của ngân hàng đối với nền kinh tế, nhất là kinh tế thị trường mà ngân hàng ngày càng trở nên thiết yếu. Bởi vậy, việc cần có một đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về trình độ và nghiệp vụ đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển kinh tế.
Vậy nghề ngân hàng là gì?
Nghĩa là bước chân vào ngành ngân hàng, bạn sẽ hàng ngày đối mặt với những vấn đề nóng bỏng nhất của nền kinh tế như tỉ giá hối đoái, lãi suất, thị trường chứng khoán…. Để hiểu rõ hơn về nghề ngân hàng, cùng ta cùng tìm hiểu các nghiệp vụ ngân hàng.
Về đại thể, nghiệp vụ ngân hàng được chia làm hai loại, tùy thuộc vào chủ thể thực hiện là ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng thương mại.
- Ngân hàng Nhà nước có một số nghiệp vụ cơ bản sau:+ Nghiệp vụ phát hành tiền: bao gồm in ấn, phát hành , quản lý và thu hồi trong lưu thông.
+ Nghiệp vụ thanh tra: Ngân hàng Nhà nước tiến hành giám sát thường xuyên các đối tượng có hoạt động ngân hàng, đồng thời, giải quyết các đơn từ khiếu nại, tố cáo, phản ánh có liên quan đến hoạt động ngân hàng.
+ Nghiệp vụ kiểm soát nội bộ: kiểm tra và giám sát các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tình hình thực hiện nhiệm vụ, chức năng của các đơn vị và việc chấp hành pháp luật, chính sách chế độ trong nội bộ ngân hàng Nhà nước.
+ Nghiệp vụ ngoại hối: Ngân hàng Nhà nước mua một đồng tiền trên thị trường ngoại hối tại một thời điểm, rồi bán ra đồng tiền này tại một thời điểm khác nhằm góp phần làm cho tỉ giá tại các thị trường trở nên cân bằng.
- Ngân hàng thương mại:
+ Nghiệp vụ tín dụng: huy động vốn từ những người gửi tiền và cho vay, hoặc đầu tư với mục đích hưởng lợi qua chênh lệch lãi suất.
+ Nghiệp vụ đầu tư tài chính: Ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán, sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào việc mua các chứng khoán như một nhà đầu tư.
+ Nghiệp vụ thanh toán: thực hiện chi trả bằng tiền liên quan đến mua bán hàng hóa hay dịch vụ giữa các bên đã có thỏa thuận với ngân hàng. Có nhiều hình thức thanh toán như chuyển tiền, séc, tín dụng chứng từ, thanh toán nội địa, thanh toán quốc tế…
+ Nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối: Là việc ngân hàng thương mại mua bán các đồng tiền khác nhau trên thị trường ngoại hối, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và thu lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá mua bán…
Với rất nhiều lĩnh vực và nhiều ngân hàng như vậy, tùy thuộc vào trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, bạn có thể xin thi tuyển vào làm việc tại một số tổ chức của ngành ngân hàng như:
- Làm công tác tín dụng, thanh toán, đầu tư tài chính, kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, kho quỹ tại các ngân hàng thương mại quốc doanh và rất nhiều ngân hàng cổ phần khác.
- Làm công tác thanh tra, giám sát, pháp chế, quản lý, xây dựng chính sách tại ngân hàng Nhà nước ở trung ương. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện nghiệp vụ này tại chi nhánh ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố.
- Làm công tác tín dụng, ngân quỹ tại các quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
- Làm công tác giảng dạy từ trung cấp đến đại học, cao học…về lĩnh vực ngân hàng tại các khoa, bộ môn của các trường có đào tạo ngành ngân hàng như Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân…
- Làm công tác tư vấn, kinh doanh chứng khoán tại các công ty chứng khoán. Thị trường chứng khoán còn tương đối non trẻ ở nước ta, chưa được nhiều người biết tới. Nhưng đây là lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn để bạn phát triển sự nghiệp trong khoảng 5 đến 10 năm tới.
- Làm công tác báo chí với chức danh phóng viên, biên tập viên… tại các đơn vị báo chí của ngành NH như Thời báo ngân hàng, Tạp chí ngân hàng, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, Tạp chí Thị trường Tài chính..
- Nếu bạn học các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, bạn sẽ có cơ hội tốt để làm việc tại các công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện của NH Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét